Điểm mới trong Nghị định 76 của Chính Phủ về chế độ đối với người công tác tại vùng đặc biệt khó khăn
Mới đây, ngày 08/10/2019 Chính phủ ban hành Nghị định số 76/2019/NĐ-CP về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, thay thế cho Nghị định 116. Cổng thông tin điện tử Huyện ủy giới thiệu đến bạn đọc một số điểm mới trong Nghị định 76.
(1) Về Đối tượng, điều kiện hưởng không có nhiều thay đổi
- Về đối tượng hưởng:
So với Nghị định 116, Nghị định 76 mở rộng các đối tượng được hưởng chế độ khi đến công tác tại vùng đặc biệt khó khăn. Cụ thể, ngoài giữ nguyên các đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức, người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị xã hội; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp;… đã được quy định tại Nghị định 116, Nghị định mới bổ sung thêm các đối tượng là Người làm việc trong tổ chức cơ yếu và Người làm việc trong chỉ tiêu biên chế trong các hội được NSNN hỗ trợ kinh phí hoạt động quy định tại Nghị định 45/2010/NĐ-CP và Nghị định 33/2012/NĐ-CP của Chính phủ.
- Về điều kiện hưởng:
Theo Nghị định 76, các đối tượng nêu trên đang công tác tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn sẽ được hưởng các chế độ, chính sách ưu đãi. Trong đó, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn bao gồm:
+ Huyện đảo Trường Sa, Hoàng Sa, DK1;
+ Các xã khu vực III thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi, xã đảo đặc biệt khó khăn theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ (có 1.935 xã theo Quyết định 582/QĐ-TTg).
Trước đây tại Nghị định 116 là các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ;
+ Các thôn, buôn, xóm, bản, làng, phum, sóc, ấp... đặc biệt khó khăn theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ (có 20.176 thôn theo Quyết định 582/QĐ-TTg);
Trước đây tại Nghị định 116 là các thôn, buôn, xóm, bản, làng, phum, sóc, ấp,… (gọi chung là thôn) đặc biệt khó khăn theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
So với quy định tại Nghị định 116, các địa bàn được coi là vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn đã có ít nhiều thay đổi.
Như vậy, các cán bộ, công chức, viên chức đang hưởng các chế độ theo Nghị định 116 để biết chính xác mình có còn thuộc diện được hưởng chế độ theo Nghị định 76 hay không, cần căn cứ cụ thể vào các quy định về đối tượng, điều kiện hưởng nêu trên.
Tuy nhiên, nhìn chung các quy định này tại Nghị định 76 không có nhiều thay đổi so với Nghị định 116.
(2) Về các chế độ phụ cấp, trợ cấp về cơ bản vẫn được giữ nguyên
Nhiều người bày tỏ băn khoăn về việc các khoản phụ cấp, trợ cấp được quy định trước đây tại Nghị định 116 và các văn bản khác liên quan có còn tiếp tục được quy định tại Nghị định 76 hay không?
Trước đây, các chế độ phụ cấp, trợ cấp được quy định rải rác tại Nghị định 116/2010, Nghị định 64/2009, Nghị định 61/2006, Nghị định 19/2013, nay được quy định tập trung trong Nghị định 76.
Thế nhưng, các khoản phụ cấp, trợ cấp này tại Nghị định 76 gần như vẫn được giữ nguyên so với quy định cũ.
Chỉ có một số sự điều chỉnh như sau:
- Về trợ cấp lần đầu khi nhận công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội ĐBKK
Hiện hành: Người đến công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội ĐBKK từ 3 năm trở lên đối với nữ và từ 5 năm trở lên đối với nam được hưởng trợ cấp lần đầu bằng 10 tháng lương tối thiểu chung.
Quy định mới: Người đến công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội ĐBKK được hưởng trợ cấp lần đầu bằng 10 tháng lương cơ sở.
Như vậy, đã không còn quy định giới hạn về thời gian công tác để được hưởng trợ cấp.
- Trợ cấp nước sạch: Chỉ những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thiếu nước ngọt và sạch theo mùa từ 01 tháng liên tục trở lên trong năm mới được khoản trợ cấp này (trước đây không quy định)…
(3) Về thời gian thực tế làm việc tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội ĐBKK để được hưởng trợ cấp
- Hướng dẫn cánh tính thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội ĐBKK theo tháng:
+ Trường hợp có từ 50% trở lên thời gian trong tháng thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội ĐBKK theo chế độ làm việc do cơ quan có thẩm quyền quy định thì được tính cả tháng;
+ Trường hợp có dưới 50% thời gian trong tháng thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội ĐBKK thì không tính;
+ Đối với nhà giáo đạt từ 50% định mức giờ giảng trong tháng trở lên thì được tính cả tháng; thời gian nghỉ hè được hưởng lương đối với nhà giáo theo chế độ thì được tính hưởng phụ cấp thu hút và phụ cấp ưu đãi theo nghề.
- Thời gian không được tính hưởng các chế độ phụ cấp, trợ cấp:
+ Thời gian đi công tác, làm việc, học tập không ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội ĐBKK từ 01 tháng trở lên;
+ Thời gian nghỉ việc không hưởng lương liên tục từ 01 tháng trở lên;
+ Thời gian nghỉ việc hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội;
+ Thời gian bị tạm đình chỉ công tác, thời gian bị tạm giữ, tạm giam.
Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 1/12/2019.
Xem chi tiết Nghị định số 76/2019/NĐ-CP của Chính phủ tại đây: Nghị định 76.pdf